CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã tóm 613 điều của Lề Luật vào một từ duy nhất: “Yêu Thương”. Tuần này, Chúa Giêsu phê bình các nhà lãnh đạo tôn giáo quá bận rộn với những thứ bề ngoài, háo danh và nghiện được khen ngợi đến nỗi quên đi sứ điệp trọng tâm mà họ phải công bố bằng chính cuộc sống của mình. Đây (Mt 23:1-12) là một bài kiểm tra lương tâm rất tốt cho bất cứ ai ở vị trí lãnh đạo trong cộng đoàn hay trong gia đình.

Phê bình đầu tiên Chúa Giêsu dành cho người nào đó trong vai trò lãnh đạo, có thể là cha sở, người chủ, huấn luyện viên, giáo viên, cha mẹ, hay anh chị. Đó là tội đặt gánh nặng lên người khác và không động một ngón tay để giúp. Tất cả chúng ta đều đã có lúc gặp một ai đó làm như vậy và điều này luôn gây khó chịu. Sự khôn ngoan mà Chúa Giêsu đề nghị ở đây là đừng vội chỉ trích bất cứ ai trừ khi chúng ta sẵn sàng đồng hành với người đó và giúp họ mang bớt gánh nặng. Nếu chúng ta đủ quan tâm để nói điều gì đó quan trọng với ai đó thì chúng ta cũng nên quan tâm đủ để sẵn sàng giúp đỡ họ. Từ “lòng trắc ẩn” theo nghĩa đen là “chịu đau khổ với”. Vì thế, chúng ta có thể tự chất vấn xem trong cuộc sống ai là người mà tôi hay phê bình chỉ trích?”; Làm cách nào để tôi có thể đồng hành tốt hơn với người đó, giúp đỡ họ trong những lĩnh vực mà họ đang phải vật lộn? Và nếu chúng ta có lòng trắc ẩn mãnh liệt hơn dành cho những người làm chúng ta thất vọng, thì đổi lại khả năng yêu thương của chúng ta sẽ gia tăng.

Phê bình thứ hai Chúa Giêsu dành cho bất cứ ai có thẩm quyền, dù đó là cha sở, người chủ, giáo viên, huấn luyện viên, cha mẹ, hay anh chị. Đó là tội làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Chúa Giêsu gớm ghét những kẻ “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ thích chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’” (Mt 23:4-7). Tất cả chúng ta đều có thể nhớ những nhà chức trách chân thành, chúng ta yên tâm ở con người họ, những người không nghiện lời khen của kẻ khác và cũng chẳng màng quyền lực. Họ bước đi một cách khiêm tốn, yêu thương, chân thành có lòng chính trực. Dù vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng nếu muốn trở thành người lãnh đạo, chúng ta phải trở thành một con người khiêm tốn và chân thực hơn như thế nữa.

Phê bình thứ ba Chúa Giêsu dành cho những người có quyền bính là tội háo danh. Chúa Giêsu không phản đối danh xưng cha, mẹ, rab-bi, v.v. Trước đó, khắp các Tin Mừng, Chúa sử dụng những danh xưng này. Điều Chúa muốn nói là dù chúng ta đang có chức danh nào đi nữa thì cũng đừng nghiện nó. Đừng nghiện danh xưng "mẹ" hay "cha" hay "bác sĩ" hay bất cứ chức danh nào khác.

Khi Chúa Giêsu đến, người ta nhận thấy Người giảng dạy đầy uy quyền, không như các kinh sư và người Pha-ri-siêu. “Uy quyền” trong tiếng Hy Lạp là “exousia”. Exousia nghĩa là "từ bản thể của mình". Do đó, uy quyền thực sự không đến từ chức danh nhưng từ bản thể của chúng ta. Ví dụ, khi một linh mục được bổ nhiệm làm cha sở của một giáo xứ, chắc chắn ngài có được chức danh “cha sở” đó. Thậm chí ngài có thể được gọi là “Cha”. Nhưng nếu vị linh mục đó không có “exousia”, nếu ngài không dẫn dắt và yêu thương đoàn chiên mình bằng chính con người ngài, thì ngài chỉ là mục tử trên danh nghĩa (chức danh) mà thôi.

Làm cha, làm mẹ cũng thế. Khi một cặp vợ chồng có con, họ mang chức danh cha mẹ. Nếu họ không yêu thương con mình từ bản thể họ, họ có thể chỉ là cha hoặc mẹ trên danh nghĩa. Làm cha hoặc làm mẹ theo truyền thống đức tin Công Giáo không chỉ là những gì mà xét nghiệm ADN nói lên. Cha mẹ chỉ trở thành cha mẹ khi họ yêu thương con cái mình từ chính con người họ (exousia) và hành động có trách nhiệm, nêu gương tốt và có những hy sinh cần thiết vì tình yêu đó. Có những cặp vợ chồng nhận con nuôi thực sự là cha mẹ của đứa trẻ về mọi phương diện có ý nghĩa quan trọng trước mặt Chúa.

Chúng ta mang danh xưng “Kitô hữu”. Nhưng theo logic của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, việc có danh xưng “Kitô hữu” là vô nghĩa nếu căn tính Kitô hữu của chúng ta không phải là exousia, từ chính con người chúng ta. Nếu chúng ta tin rằng nhờ nước rửa tội, bản chất của chúng ta được biến đổi và đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, thì thực tế này phải được phản ánh một cách chân thực qua mức độ chúng ta mến Chúa và yêu người. Lời Chúa đặt ra cho chúng ta một thách đố thú vị: Tôi là Kitô hữu trên danh nghĩa hay là Kitô hữu “exousia”, từ chính con người mình?

Dĩ nhiên, câu trả lời xưa nay của người Công Giáo là “chúng tôi đang hành động vì danh xưng đó”. Chúa Giêsu đã chứng minh bằng cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Người rằng Người rất sẵn sàng bước đi cùng chúng ta. Trong Bí tích Thánh Thể, Người ban cho chúng ta chính thịt máu Người để biến đổi bản tính của chúng ta thành bản tính của Người. Chúng ta được mời suy nghĩ xem chúng ta là Kitô hữu đích thực như thế nào. Hành động của chúng ta có phù hợp với danh xưng Kitô hữu của chúng ta không? (Hành động của chúng ta) có mạnh hơn lời nói của chúng ta không?

Chúng ta được mời gọi trưởng thành hơn về căn tính Kitô hữu của mình nhờ thực sự bước theo Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, Đấng đã hiến mạng mình cho chúng ta.

Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm
13055 SE County Road, 4271 - Kerens, Tx 75144-7069 | Tel: (903) 229-2034 | E-mail: danvienthientam@gmail.com