ƠN GỌI ĐAN TU “Nhưng một khi đã tiến bộ trong đời tu và trong đức tin, một khi lòng phấn khởi và nếm được sự ngọt ngào khôn tả của tình yêu, ta sẽ chạy trên đường giới răn của Thiên Chúa.” (TL số 49) Sống đời đan tu là tìm kiếm và đáp lời Thiên Chúa bằng một đời sống cầu nguyện. Động lực nội tâm này thực sự là cả một lối sống có trật tự từ đầu đến cuối nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hiệp thường xuyên với Thiên Chúa. Vấn đề không chỉ đơn giản là thi thoảng cầu nguyện, xen kẽ cầu nguyện với các hoạt động khác, mà là hướng cả cuộc đời mình đến mục đích này. Tính nhạy cảm đối với sự hiện diện của Thiên Chúa giúp người đan sĩ có cái nhìn kinh ngạc và biết ơn trước những hành động nhân từ mà Thiên Chúa đã thực hiện không chỉ trong lịch sử, mà còn trong cuộc sống của chính người đó. Tìm kiếm Thiên Chúa là bổn phận chính của người đan sĩ. Đan Viện là trường học của con tim, trường phụng sự Chúa, trường học bác ái huynh đệ và bình an. Người dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa như một đan sĩ Biển Đức sẽ tìm thấy sự thánh thiện trong mọi công việc, biến công việc thành lời cầu nguyện của mình. Hầu như mọi đan sĩ tại Đan Viện Thiên Tâm đều cố gắng tìm kiếm và đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa qua cuộc sống đơn sơ theo các giá trị của Tin Mừng như được nêu trong Tu Luật của Thánh Biển Đức. Phụng thờ Thiên Chúa, trong sự hiệp nhất với Đức Ki-tô và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, là một trong những trụ cột chính của tòa nhà Thiên Tâm. Ngày sống của Thiên Tâm xoay quanh điều mà Thánh Biển Đức gọi là “Opus Dei”, nghĩa là Thần Vụ. Bảy lần một ngày các đan sĩ quy tụ trong nguyện đường để cử hành Thần Vụ qua việc hát các thánh vịnh, thánh ca, và cử hành Thánh lễ Hy tế mỗi ngày. Các Giờ Thần Vụ thánh hóa ngày sống, như một lời nhắc nhớ các đan sĩ về bổn phận phải cầu nguyện luôn, và đưa ra một khuôn khổ để xây dựng một cuộc sống cầu nguyện bền vững. Cầu nguyện chung được tăng cường bằng việc cầu nguyện cá nhân của mỗi đan sĩ. Trong đó gồm cả những khoảng thời gian lectio divina kéo dài. Lectio divina là cách đọc suy ngẫm về Kinh Thánh hoặc các Giáo Phụ, và chiêm niệm. Trụ cột thứ hai của đời sống đan tu Biển Đức được tìm thấy ở đây tại Thiên Tâm là lao động chân tay. Thánh Biển Đức dạy rằng “họ thực sự là những đan sĩ khi sống bằng sức lao động của đôi tay mình.” Để đạt được mục đích này, các đan sĩ tham gia vào nhiều công việc khác nhau, phần lớn là khá bình thường, chẳng hạn như làm việc trong vườn cây ăn trái, vườn rau, trong trại gia cầm, ở xưởng thợ, văn phòng, nhà khách, nhà bếp... “Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi : “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp : “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?” Người bảo họ : “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.” (Ga 1:35-39) Chúng tôi cũng xin gửi đến bạn Lời Chúa mời gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài. Đối với những nam thanh niên đang cân nhắc về ơn gọi tu trì và muốn tìm hiểu thêm về cộng đoàn Thiên Tâm, bước đầu tiên tốt nhất là thực hiện một chuyến viếng thăm đến Đan Viện. Lưu lại từ vài ngày đến vài tuần, những chuyến viếng thăm đó đem đến cho bạn cơ hội tìm hiểu về cuộc sống của chúng tôi bằng cách sống cùng với các anh em trong Đan Viện. Khách “đến mà xem” cùng cầu nguyện với chúng tôi, có thể tham dự các lớp học cùng với các tập sinh, tham gia lao động chân tay, dùng bữa với các đan sĩ trong nhà ăn, tản bộ trên các con đường bê-tông trong khuôn viên Đan Viện, và bất kỳ hoạt động nào khác có thể diễn ra tại Đan Viện trong thời gian lưu trú. Không có bất cứ một ràng buộc nào liên quan đến việc thực hiện chuyến thăm viếng “đến mà xem.” Cho dù bạn chỉ tò mò hay có thiện chí, chúng tôi mời bạn đến và tự mình khám phá cuộc sống ở Thiên Tâm là như thế nào. Nếu bạn đang phân định ơn gọi của mình và muốn tìm hiểu thêm về Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm, hãy liên hệ với Phụ trách Ơn gọi của chúng tôi - Cha Mát-thêu Gẫm. Ngài có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào của bạn hoặc giúp bạn sắp xếp một chuyến viếng thăm Đan Viện. Kinh nghiệm cá nhân và cuộc gặp gỡ với các đan sĩ trong Đan Viện sẽ giúp bạn phân định được ơn gọi sống đời đan tu một cách tốt nhất. Đan Viện Thiên Tâm luôn mở cửa cho những nam thanh niên Công Giáo từ 18 đến 45 tuổi, những người đang nhận thức được ơn gọi tận hiến, đến và tham gia cùng chúng tôi để trải nghiệm đời đan tu. Một con tim trong sáng và một lý trí được đào luyện tốt cũng giúp đem lại một sự phân định đúng đắn nhất. Công việc này được thực hiện với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, lời khuyên khôn ngoan của những người trung tín và sử dụng khả năng nhận thức do Thiên Chúa ban cho. Người ta nói rằng ba dấu hiệu của một ơn gọi thực thụ là Ước Muốn, Khả Năng và Lời Gọi Mời. 1. Ước Muốn Khi nhận ra lời mời gọi sống đời đan tu, người ta phải cảm thấy sâu xa trong tâm hồn mình khao khát bước theo Chúa Ki-tô với tất cả sự trong sạch, khó nghèo, bác ái và cam kết chu toàn cách triệt để thánh ý của Cha chúng ta trên trời. 2. Khả Năng Cần phải có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt để có thể chịu đựng được những thách đố hàng ngày trong việc cầu nguyện và lao động ở Đan Viện. Mặc dù việc ngủ nghỉ và chay tịnh tại Đan Viện Thiên Tâm không quá khắt khe, nhưng người ta vẫn có thể gặp những thử thách, không phải ở tính khắc nghiệt của chúng, mà là ở việc thực hiện những thử thách đó và mọi kỷ luật của Đan Viện với lòng nhiệt thành ngày này qua ngày khác trong suốt phần đời còn lại của một người. Có lẽ lối khổ tu lớn nhất của Biển Đức là sống trong cộng đoàn với lòng bác ái đích thực. Vâng lời, cùng với bác ái và khiêm tốn, là những giá trị cốt lõi của lối sống đan tu. Những nhân đức này cho phép chúng ta cầu nguyện và làm việc trong sự bình an tâm hồn vốn là kết quả của cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Ki-tô. Người đan sĩ nỗ lực nghe Lời Chúa và hết lòng đáp lại. Khi một người nghe tiếng gọi của Chúa Ki-tô “Hãy theo tôi,” người ấy đáp lại “Xin vâng” như Đức Trinh Nữ Maria đã thưa. “Vâng, ... xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38). Sau cùng, một người có thể chắc chắn về ơn gọi của mình khi Chúa Ki-tô bảo “được” với anh qua tiếng Giáo hội. 3. Lời Gọi Mời Đời sống đan tu không phải cho tất cả mọi người. Đó là một đời sống cầu nguyện và làm việc nghiêm túc, sống trong cộng đoàn, và không phải là không có thử thách hàng ngày. Nhưng đối với những ai được mời gọi, lối sống đan tu là một cuộc sống vui vẻ và viên mãn. Nếu bạn nghĩ bạn đã sẵn sàng từ bỏ “ý riêng, một lần cho tất cả, và trang bị vũ khí mạnh mẽ và cao quý của đức vâng phục để chiến đấu cho Vị Vua chân chính là Chúa Giê-su Ki-tô,” thì hãy liên hệ với Phụ trách Ơn gọi của Đan Viện Thiên Tâm và sắp xếp một chuyến viếng thăm Đan Viện. Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho bạn để bạn tiếp tục tìm ra ý Chúa cho cuộc đời bạn. |