CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Trong dụ ngôn Chúa Nhật hôm nay (Mt 22:1-14), Chúa Giêsu nói về một khách dự tiệc bị đuổi ra khỏi tiệc cưới vì không mặc quần áo chỉnh tề. Nhiều nơi trên thế giới vẫn có những kỳ vọng văn hóa khác nhau về cách mọi người ăn mặc ở nơi công cộng, tại những địa điểm và sự kiện nhất định. Ví dụ, nếu đến thăm Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Rome trong một ngày nắng nóng, không quan trọng bạn là ai, tốt nhất bạn nên mặc quần áo tử tế, bằng không bạn sẽ chẳng được phép vào. Đó là kỳ vọng về văn hóa ở đó. Ngay cả ở trong đất nước “tự do” này, tôi nghĩ nhiều người cũng đã từng nhìn thấy một tấm biển có nội dung: “No shoes, no shirt, no service”, đại loại là "Không giày, không áo sơ mi, thì không phục vụ". Vì vậy, khi nhà vua trong dụ ngôn ra lệnh đuổi một người ra khỏi tiệc cưới vì không ăn mặc chỉnh tề khi tham dự sự kiện, những người nghe Chúa Giêsu giảng ở thế kỷ I tại khu vực đó đều hiểu đấy là lẽ thường. Đến dự tiệc cưới mà ăn mặc không phù hợp được hiểu đơn giản là thiếu lịch sự. Nhưng thông điệp mà Chúa Giêsu muốn truyền đạt bằng dụ ngôn này lại gây tranh cãi một chút. Hãy đọc dụ ngôn chậm rãi hơn để hiểu rõ thêm.
Rõ ràng vị vua này tượng trưng cho Chúa Cha trên trời. Con trai của nhà vua tượng trưng cho Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Riêng điều này thôi cũng gây tranh cãi rất nhiều đối với những người không phải Kitô hữu khi nghe dụ ngôn. Nhưng các môn đệ Chúa Giêsu ở thế kỷ đầu chấp nhận xác định này. Bởi vì họ thấy tiệc cưới tượng trưng rõ ràng cho sự nhập thể: thần tính đã kết hôn với nhân tính và trở nên một xương một thịt trong con người Đức Giêsu Kitô. Nhà vua gửi thiệp mời đến tất cả các nhà lãnh đạo của những vùng xung quanh để thông báo về tiệc cưới của con trai mình. Và ông bị sốc khi biết nhiều vị quyền cao chức trọng trong số này phớt lờ lời mời. Thậm chí một số người còn ngược đãi và giết chết những sứ giả mang lời mời đến.
Hãy dừng lại ở đó. Điều này không lọt tai những người nghe vì kịch bản này xét về mặt giá trị là vô lý. Nếu nhà vua đích thân mời bạn đến dự một bữa tiệc vào những ngày đó, nếu bạn coi trọng mạng sống của mình và mạng sống của gia đình mình thì tốt nhất bạn nên tham dự. Chúng ta sẽ không nhìn vào lịch của mình để xem liệu ngày đó có trùng với một công việc quan trọng nào của mình, phải không? Phần đông chúng ta chắc sẽ không đấm vào mũi người đưa tin. Nhà vua nhận được phản ứng kinh khủng như vậy là điều không thể tưởng tượng được. Do đó ông đã sai quân đến tru diệt. Chúa Giêsu ám chỉ điều gì trong tất cả câu chuyện đó?
Các sứ giả mà Chúa Giêsu đang đề cập đến đều là các ngôn sứ mà Thiên Chúa đã sai đến với Israel trong suốt nhiều thế kỷ để báo trước sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai. Dân Israel có một thành tích đáng kể là phớt lờ các ngôn sứ, thậm chí thờ ngẫu tượng. Israel cũng có một lịch sử lâu dài về việc quấy rối và thậm chí giết các ngôn sứ. Việc “thiêu hủy thành phố” (c.7) có thể là ám chỉ hoặc báo trước về Đền Thờ bị san bằng vào khoảng năm 70 BC hoặc Jerusalem rơi vào tay người Babylon nhiều thế kỷ trước đó. Chúng ta nên nghĩ về điều đó là những gì có thể xảy ra với linh hồn chúng ta khi hành động trái với thánh ý Chúa trong cuộc sống, không phải theo nghĩa trừng phạt mà là theo nghĩa hậu quả, vì Chúa biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta và chúng ta nên lắng nghe Ngài. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là hình ảnh Chúa Giêsu đang sử dụng hơi cường điệu một chút nhằm lay động người nghe, giúp họ chú ý đến những gì xảy ra tiếp theo.
Điều xảy ra tiếp theo là: Nhà vua quyết định mời phần còn lại của thế giới đến dự tiệc. Điều này ám chỉ ơn cứu độ được ban cho Israel trong tiệc cưới của Chúa Con giờ đây đã được mở rộng ra cho toàn thế giới, chứ không chỉ riêng Israel. Đây là một chủ đề quan trọng trong Tin Mừng Thánh Mátthêu vì đối tượng độc giả ban đầu của Tin Mừng này là cộng đồng Kitô hữu gốc Do Thái. Họ được dạy phải đón tiếp các Kitô hữu gốc dân ngoại như là tất cả mọi người đều được đón vào dự tiệc cưới của Chúa Con, tất cả mọi người đều được chào đón trong Giáo Hội ngày nay. Đây là tin vui nhắc nhở chúng ta hãy luôn mở rộng cửa đón nhận những ai đang tìm kiếm Đức Kitô trong cuộc đời mình. Điều này dẫn chúng ta đến anh chàng tội nghiệp đã quên mất y phục lễ cưới của mình, chúng ta phải nói gì với anh?
Ơn cứu độ được ban cho toàn thế giới trong tiệc cưới của Con Chúa. Ơn đó đòi hỏi chúng ta đáp lời. Giống như chúng ta mặc áo trắng sau khi chịu phép Rửa Tội, một khi chúng ta được mời vào dự tiệc cưới, đức tin của chúng ta lúc này phải giống như một cái gì đó. Đời sống của chúng ta phải mặc trang phục giống như một người theo Chúa Giêsu. Đời sống của chúng ta phải thể hiện rõ lòng tôn trọng, bác ái, sự quan tâm đến những người kém may mắn, trung thực với lời nói của mình, trung thực với lời hứa lúc được Rửa Tội, trung thực và ngay thẳng, tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và các giới răn của Hội Thánh. Một khi chúng ta được mời vào dự tiệc của Chúa Con, một khi chúng ta được mời vào dự tiệc Thánh Thể, đời sống của chúng ta phải giống như chúng ta thuộc về nơi đó.
Thiên Chúa rộng ban cho chúng ta con đường dẫn đến ơn cứu rỗi đời đời qua Con Ngài, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài mời chúng ta vào dự tiệc cưới nước trời, nơi Ngài sẽ chu cấp cho mọi dân tộc, như ngôn sứ Isaia đã tiên báo. Tuy nhiên, trong cuộc hành trình dương thế, khi đang tiến về thiên đàng, chúng ta nhận được lời nhắc nhở quan trọng của Tin Mừng hôm nay: Nếu chúng ta tự cho mình là một Kitô hữu, cuộc sống của chúng ta phải giống như vậy. Chúng ta phải mặc lấy tình yêu, lòng thương xót, niềm tin và sự trung tín. Nghĩa là khi chúng ta ra khỏi nhà mỗi sáng để đi làm, đi học, họp mặt gia đình, đi nghỉ, trên đường, vào internet… bất cứ nơi nào mà hôm nay Chúa mời gọi chúng ta, lời khuyên chân thành nhất của Tin Mừng Chúa Nhật này là: đừng quên áo cưới của mình.