Thế nào là thành công? Hãy nhắm mắt lại một lúc và tưởng tượng nếu thành công ta trông như thế nào? Nhà cửa, con cái hoặc vợ/chồng của ta sẽ như thế nào? Cuộc sống của ta sẽ như thế nào? Hãy có những hình ảnh đó trong tâm trí. Có thể đó là một bài tập tâm linh quan trọng.
Chúng ta cần xem lại khái niệm về sự thành công. Bởi vì định nghĩa về thành công của chúng ta không phải lúc nào cũng giống với định nghĩa của Kinh Thánh. Chẳng hạn, trong bài đọc I, Giêrêmia than thở: “Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con”(Gr 20:7). Tại sao Giêrêmia lại bị cười nhạo? Lý do là vì ông làm theo thánh ý Chúa. Hãy tưởng tượng trong giây lát để xem cảm giác bị mọi người cười nhạo, chế giễu, như thế nào. Quả thật không dễ chịu chút nào, phải không?
Trong bài đọc II, Phaolô dạy chúng ta “hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12:1). Dâng thân thể mình làm “của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”, thật sự đó không phải là một hình ảnh dễ chịu.
Rồi trong bài Tin Mừng, chính Chúa bảo các môn đệ của Người: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Thập giá quả là một thách thức! Theo bạn, Chúa Giê-su có thành công không? Xét theo loài người thì thập giá là thất bại. Nhưng Chúa Giê-su là người thành công nhất mà thế giới từng biết đến.
Tuần trước Chúa Giê-su đã hỏi các môn đệ: “Anh em bảo Thầy là ai?” Đây là câu hỏi nền tảng nhất mà chúng ta có thể tự đặt ra cho mình khi tự gọi mình là Kitô hữu: Đối với tôi, Chúa Giê-su là ai? Phêrô đã tỏ ra là người ưu tú nhất trong các Tông đồ khi trả lời đúng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng tuần này chúng ta phát hiện ra là sau khoảnh khắc tỏa sáng đó, Phêrô lại trả lời sai. Phêrô đã trả lời đúng nhưng ông cũng trả lời sai. Phêrô đang nghĩ Chúa Giê-su sẽ trở thành Vua Đavít mới. Ông nghĩ Chúa Giê-su sẽ giải phóng dân Israel khỏi mọi áp bức. Ông nghĩ Chúa Giê-su sẽ mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng và hòa bình mới cho đất nước ông. Phêrô tin tất cả những điều đó. Bởi vì nếu Chúa Giê-su là Đấng cứu thế, thì đó là những gì ông nghĩ trong đầu, nghĩa là trong đầu ông có sẵn hình ảnh một đấng cứu thế thành công sẽ như thế nào.
Chúa Giê-su định nghĩa thế nào là một đấng cứu thế thành công? Chúa Giê-su nói: “Người phải đi Jêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Thành công là như vậy đó. Và Chúa Giê-su định nghĩa về môn đệ thành công là gì? “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.”
Tôi nghĩ chúng ta nên thường xuyên tự vấn lương tâm và đặt câu hỏi cho chính mình: Thế nào mới đúng là thành công? Trong xã hội của chúng ta, những người có nhà to đẹp hơn, xe sang hơn, quần áo hàng hiệu đắt tiền hơn, vợ/chồng hoàn hảo hơn, con cái ngoan giỏi hơn,… đều được coi là thành công hơn. Nhưng Kinh Thánh định nghĩa thành công theo một cách khác. Thành công trong Kinh Thánh là làm theo ý muốn của Chúa, cho dù có thể xảy ra điều gì, ngay cả khi điều đó đòi hỏi chúng ta phải chịu đau khổ. Hoặc như Thánh Phaolô đã nói với chúng ta trong bài đọc 2, và đó là lời khuyên hữu ích cho bất kỳ ai đang phải chịu đau khổ hoặc lo lắng lúc này. Ngài nói về sự thành công: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”(Rm 12:2) Có lẽ tất cả chúng ta nên dành chút thời gian trong tuần này để suy ngẫm về lời Thánh Phaolô và tự hỏi: Điều đó đòi hỏi gì nơi tôi?